Truyền nước biển có tác dụng gì?

Chia sẻ bài viết:

Truyền nước biển là đưa các chất dinh dưỡng vào cơ thể qua đường tĩnh mạch để điều trị và hồi phục sức khỏe. Vậy thành phần, công dụng và một số tác dụng phụ của nước biển là gì?

1. Truyền nước biển là gì? Có nên truyền nước biển không?

  • Truyền nước biển còn gọi là truyền dịch là phương pháp đưa nhỏ giọt muối và các chất điện giải vào cơ thể bằng đường tĩnh mạch khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Thành phần chính của dịch Truyền nước biển là NaCl 0,9% (có vị mặn như nước biển), thuộc nhóm dịch truyền cung cấp nước và điện giải cho cơ thể. Nhóm dịch truyền này bao gồm một số loại khác như: Ringer lactate, Bicarbonate natri 1,4%,... được dùng trong các trường hợp mất nước, mất máu do tiêu chảy, nôn ói, bỏng, ngộ độc,...
  • NaCl 0,9% là dung dịch đẳng trương có áp suất thẩm thấu gần bằng với áp suất dịch trong cơ thể. Natri là ion dương chính của dịch ngoại bào, chức năng chủ yếu trong cân bằng nước, điện giải và áp suất thẩm thấu dịch của cơ thể. Clo là ion âm chính của dịch ngoại bào, tác dụng trong việc bài tiết nước tiểu. Dịch nước biển (NaCl 0,9%) không gây tan hồng cầu khi vào cơ thể.
  • Ở người khỏe mạnh, các chỉ số muối, đường, điện giải luôn ở mức độ cân bằng đảm bảo cho các hoạt động sống. Khi mắc các bệnh lý hay cơ thể suy nhược, mệt mỏi quá độ, mất nước, mất máu, ngộ độc,... thì các chỉ số này sẽ giảm sút và đòi hỏi phải cung cấp dưới dạng truyền dung dịch từ bên ngoài.

Vậy khi cơ thể mệt mỏi có nên truyền nước biển không?

  • Việc thực hiện bất cứ thủ thuật xâm lấn nào trên cơ thể đều cần có sự chỉ định của bác sỹ và thực hiện tại cơ sở y tế có đủ trang thiết bị. Do đó, Truyền nước biển khi cơ thể có bệnh lý, không tự ý lạm dụng Truyền nước biển tại nhà với mục đích giúp ăn ngon, ngủ ngon, giảm mệt mỏi.
  • Việc Truyền nước biển không có hiệu quả tốt bằng ăn uống trực tiếp nếu vẫn có khả năng ăn uống. Truyền một chai nước muối 0,9% chỉ tương đương với ăn một bát canh thịt, hay truyền 1 chai đường 5% chỉ tương đương với uống một muỗng cà phê đường.

2. Công dụng của truyền nước biển 

Công dụng của truyền nước biển là cung cấp muối hay các chất điện giải khi cơ thể thiếu hụt do các nguyên nhân sau:

  • Mất nước do tiêu chảysốt cao, sau phẫu thuật, mất máu,... mà chế độ ăn thông thường không bù đắp kịp thời.
  • Phòng ngừa và điều trị tình trạng thiếu hụt ion Na(+) và Clo (-) do điều trị lợi tiểu quá mức, chế độ ăn kiêng thiếu muối hay tình trạng mệt mỏi quá mức do bài tiết mồ hôi nhiều.
  • Dự phòng mất dịch, giảm Natri trước khi bắt đầu và sau khi kết thúc truyền máu, thẩm tách máu.

Trước khi tiến hành truyền nước biển người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm máu, điện giải và một số xét nghiệm tìm nguyên nhân bệnh khác.

Quá trình truyền nước phải có sự theo dõi của nhân viên y tế, tuân thủ đúng các quy định về liều lượng và tốc độ truyền.

3. Tác dụng phụ của truyền nước biển

Một số Tác dụng phụ của truyền nước biển có thể gặp như sau:

  • Phản ứng tại vị trí đặt kim tĩnh mạch gây: phù, đỏ, sưng đau, vỡ mạch gây bầm tím,... nặng nề hơn có thể gây viêm hoại tử.
  • Phù, rối loạn điện giải.
  • Nếu lạm dụng quá mức việc truyền dịch có thể gây tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi (suy hô hấp), tràn dịch màng tim (suy tim).
  • Sốc phản vệ (sốt cao, rét run, khó thở vã mồ hôi, tím tái, hôn mê,...).
  • Không đảm bảo vô khuẩn trong các dụng cụ tiêm truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý lây nhiễm qua đường máu (viêm gan B, HIV/AIDS).

4. Một số lưu ý khi truyền nước biển

Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất và đề phòng các Tác dụng phụ khi truyền nước biển cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Dung dịch nước biển truyền cũng là một loại thuốc, cần phải được chỉ định điều trị bởi bác sĩ và thực hiện tại cơ sở y tế cho trang thiết bị.
  • Không truyền dịch ở những bệnh nhân tăng Kali máu, tăng ure máu, bệnh nhân suy thận cấp/ mãn, suy tim, suy gan,...
  • Các trường hợp choáng do đổ mồ hôi nhiều, mất nước sau tập luyện cường độ cao không nên chỉ định truyền nước biển ngay lập tức vì có thể gây phù não, ngộ độc nước, co giật, tử vong. Nên để người bệnh nghỉ ngơi, bổ sung nước bằng đường uống. Nếu không đáp ứng mới chỉ định truyền dịch.
  • Trước khi truyền cần loại bỏ bọt khí trong túi truyền; Đảm bảo vô khuẩn, kiểm tra dây truyền dịch trong thời gian truyền, đề phòng tắc dây hay hết dịch khiến máu chảy ngược ra ngoài.
  • Không pha dịch truyền với các dung dịch thuốc khác mà không có chỉ định.
  • Theo dõi người bệnh, đảm bảo liều lượng, tốc độ, thời gian truyền theo đúng chỉ định.

Tóm lại, truyền nước biển là một phương pháp y khoa để điều trị các bệnh lý do mất nước và điện giải. Đây không phải thuốc bổ, cũng không phải cách làm giảm mệt mỏi, do đó tránh lạm dụng việc truyền nước tại nhà để đề phòng nhiều tai biến có thể xảy ra.

DỊCH VỤ NỔI BẬT
TIN LIÊN QUAN